Năm 2018 UNICEF công bố, một nửa số học sinh từ 13 đến 15 trên toàn thế giới – ước tính khoảng 150 triệu – cho biết đã từng bị bạo lực học đường bởi các bạn đồng trang lứa ngay trong nhà trường và ở các khu vực xung quanh trường học.
www.unicef.org
I. Mở đầu
Trong mỗi người chúng ta, sẽ có những ước mơ bị thay đổi. Thay đổi theo thời gian, theo nhận thức và có thể thay đổi vì bị tác động. Mình cũng vậy, nhưng có một ước mơ mình sẽ không bao giờ thay đổi dù có gì đi chăng nữa, đó là mơ có cách nào dẹp phăng được nạn bạo lực học đường.
Đứng ở vị trí của một người từng bị bắt nạt ở trường học, mình hiểu rõ nỗi đau cũng như sự tiêu cực đến cùng cực trong suy nghĩ của một đứa trẻ bị bắt nạt là như thế nào. Lứa học sinh được sinh ra vào những năm đầu của 90 như mình, hiếm có học sinh nào nghe cụm từ bạo lực học đường. Họ bắt nạt bạn bè trong tâm thế không hiểu biết hậu quả, thậm chí có khi còn không nghĩ đến việc mình làm vậy là đúng hay sai.
II. Câu chuyện của mình
Mình đã từng sống trong khoảng thời gian quá mỏi mệt, chán học, sợ hãi khi đến trường và có khi tưởng chừng ngày mai mình sẽ chết. Cấp I, mình bị bắt nạt với lý do rất ư buồn cười: không chịu theo nhóm và cứ đâm đầu vào chơi với các bạn nhà xa xôi và học không giỏi.
Hình phạt là mình bị cô lập, bị xô đẩy té ngã và nhận lại được câu không cố ý. Sau đằng đẵng thời gian dài, ba mình phát hiện tay mình bầm, và cố gặng hỏi thì mới biết mọi chuyện. Ba tới trường khuyên nhủ, nhỏ nhẹ dặn dò các bạn đừng bắt nạt. Nhưng, thật xót xa, hình phạt lại tăng lên chứ không hề giảm.
Thầy cô nào có biết, đâu dám nghĩ chuyện bắt nạt. Trẻ nhỏ chọc ghẹo nhau là cùng, các bạn cùng nhau mét thầy bạn Yến làm sai, thì phải phạt bạn Yến. Lâu lâu chợt nhớ lại, thấy thật xót xa.
Có rất nhiều hình thức bạo lực. Không những bạo lực ở trường, mà còn là ở nhà, và thậm chí ở chốn công sở. Bài viết này mình chỉ đi vào vấn đề bạo lực ở trường học giữa các học sinh với nhau.
II. Bạo lực học đường là gì
Bạo lực học đường là những hành vi cố ý không đúng với đạo đức, gây cho người khác sự tổn hại về mặt tinh thần cũng như thể xác. Được biểu hiện qua các hành động như: đánh nhau, cô lập, trấn áp, tấn công bằng lời nói, thậm chí có cả tấn công tình dục.
III. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường
- Bản thân bị áp lực: nhiều đứa trẻ được người thân đặt quá nhiều kỳ vọng, và chúng bị bế tắc trong vòng áp lực, không có khả năng thoát khỏi hay giải quyết vấn đề. Chúng sẽ trút giận lên bạn bè.
- Sự tự ti: nghe có vẻ lạ nhỉ, những người bắt nạt người khác thì sao lại tự ti. Nhưng thật đấy, trẻ tự ti mình quá kém cỏi, bản thân cứ vật lộn với các môn học mà chúng cho là khó. Và bắt nạt học sinh giỏi hơn, để mang đến cảm giác người bị bắt nạt sẽ thấp kém hơn mình.
- Bị bắt nạt: học sinh sẽ học theo bạn bè về cách hành xử rất nhanh. Khi sức mạnh của chính họ bị tước bỏ bởi một kẻ bắt nạt, có thể khiến họ muốn lấy lại sức mạnh đó bằng cách bắt nạt người khác.
- Bị ép buộc: áp lực sợ bị đối xử giống nạn nhân nên không dám đồng cảm, đành phải chung nhóm, chung chiến tuyến.
- Thích cảm giác được chú ý và là trung tâm: được ngưỡng mộ có thể mang lại cho một người cảm giác vượt trội. Để duy trì vị trí đó, một kẻ bắt nạt sẽ sẵn sàng vùi dập người khác.
- Môi trường gia đình: một số nghiên cứu cho rằng, các hành động bạo lực và lời nói không đúng sẽ làm trẻ tiếp thu theo chiều hướng xấu. Làm tăng tính hung hăng và trẻ mang sự hung hãn đó áp dụng vào môi trường lớp học.
- Môi trường cộng đồng: việc giao du và làm bạn với các thành phần xấu như các tệ nạn hút chích, các trò chơi bạo lực sẽ lại được mang vào trường học.
VI. Chúng ta nên làm gì
1. Ý kiến các nhân của bản thân
Theo mình, một người đã từng trải qua và đã từng đứng dậy, mình nghĩ 3 yếu tố quan trọng nhất chính là gốc rễ của vấn đề, gia đình và bản thân.
a. Về phía nguyên nhân của vấn đề
Có một câu nói rất hay của Giám đốc điều hành UNICEF – Bà Henrietta Fore “chúng ta không thể nào thay đổi hành vi của một người nếu chúng ta không tìm ra gốc rễ và giải quyết nguyên nhân của hành vi đó”. Chỉ đơn giản là trừng phạt mà không giải quyết các động lực bên trong của trẻ, cũng như lý do bắt nạt chỉ khiến học sinh đó sẽ lại có các xung đột khác trong tương lai.
Khi phụ huynh và giáo viên tìm ra và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, họ có thể đào tạo học sinh theo những cách mới và xử lý các tình huống có vấn đề.
b. Về phía gia đình
– Trẻ em luôn luôn cần sự hỗ trợ từ gia đình. Hãy tạo thói quen nói chuyện tâm sự sau một ngày ở trường, để trẻ có thể tâm sự chuyện vui buồn trên lớp.
– Dạy trẻ cách nói chuyện, giao tiếp một cách tôn trọng với người khác. hướng dẫn trẻ đối xử với người khác theo chuẩn mực đạo đức luôn luôn là quan trọng.
– Để ý hành vi của trẻ và thường xuyên quan sát, nhẹ nhàng hỏi han nếu thấy vết bầm tím, thương tích trên người trẻ.
– Trong trường hợp phát hiện trẻ bị bắt nạt, cần nói chuyện và lắng nghe điều trẻ muốn nói. Làm việc chặt chẽ với nhà trường để khắc phục vấn đề.
c. Về phía bản thân
Chia sẻ là điều cần thiết nhất trong trường hợp bạo hành, càng im lặng thì hành vi bạo hành chỉ có tăng theo thời gian chứ không hề thuyên giảm. Hãy yêu quý bản thân và tâm sự với gia đình để tìm ra hướng đi tốt nhất.
2. Các giải pháp hiện nay
a. Có rất nhiều giải pháp được đưa ra để làm giảm thiểu khả năng bạo lực học đường một cách thấp nhất.
b. Giảm các phương tiện truyền thông có hình ảnh bạo lực, sàng lọc kỹ hơn nội dung câu chữ đến hình ảnh
c. Tái cơ cấu hệ thống giáo dục.
d. Cải thiện các mối quan hệ trong gia đình.
e. Tổ chức các khóa học huấn luyện cho trẻ để có thể làm việc nhóm.
f. Mở các lớp dạy học sinh các kỹ năng xã hội.
V. Một số thông tin thêm về bạo lực học đường ở Nhật
1. Bạo lực học đường ở Nhật như thế nào
Tại Nhật, có một cụm từ “ijime”. Để mà dùng từ bắt nạt hay bạo hành học đường, chắc cũng không thể nào lột tả được hết hành động của từ này. Ở Nhật bạo lực học đường rất tàn ác: đổ rác chất bẩn lên người, cô lập, trấn lột quần áo, ép bạn tự tử, mang hung khí lên lớp giết bạn, cưỡng bức quay phim chụp ảnh.
2. Số liệu thống kê
Theo trang www.nippon.com, trong năm học 2017, các trường hợp bắt nạt ở trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Nhật Bản đã tăng 28% so với năm trước, lên mức cao kỷ lục mới là 414.378, theo một nghiên cứu về hành vi có vấn đề của học sinh do Bộ thực hiện. Điều này tương đương cứ 1.000 học sinh thì có 30,9 trường hợp được báo cáo.
3. Giải pháp mới nhất hiện nay để giảm thiểu bạo lực học đường ở Nhật
Theo tờ japantimes.co.jp, tại thành phố Otsu sắp tới cố gắng sử dụng trí thông minh nhân tạo để giúp giáo viên phát hiện các dấu hiệu bắt nạt học đường nghiêm trọng. AI sẽ phân tích khoảng 9.000 trường hợp bắt nạt được báo cáo bởi các trường trong vòng 6 năm trở lại.
Hệ thống cũng sẽ đánh giá các trường hợp đáng nghi ngờ. Hội đồng giáo dục tin rằng việc phân tích, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10, sẽ cho biết các đặc điểm của các trường hợp, dấu hiệu bắt nạt để giúp giáo viên xác định các trường hợp trong lớp học của họ.
VI. Tâm sự của mình
Mình đã từng lao tâm muốn thoát ra cảnh bị chèn ép, bạo lực. Cũng từng sợ sệt không dám nói. Và cũng đã mặc kệ, nhắm mắt chịu trận. Sau này có 1 câu nói làm mình thức tỉnh:
Con là một cá nhân độc lập và ngang bằng. Cơm các bạn ăn hằng ngày cũng như việc được đến trường không khác gì cơm con đang ăn và môi trường con học tập. Không có lý do gì để con đáng bị ăn hiếp cả.
♥ lời của Ba ♥
Mình đã đứng dậy, đánh trả sự bắt nạt, chỉ một lần và một lần duy nhất mình lên tiếng và mình đã thành công. Đôi khi một tiếng động nhẹ sẽ thức tỉnh được nhiều điều, hơn là sự im lặng chịu đựng. Chịu đựng trong trường hợp này không mang lại vẻ vang hay bao điều tốt đẹp sau đó.
Nó chỉ mang lại nỗi đau cả tinh thần và thể xác cho bản thân, và cả sự day dứt của tình thân mà thôi. Vì suy cho cùng, nếu một ngày nào đó. Chúng ta thức tỉnh muộn hơn so với hậu quả ta đã gây ra. Thì người làm tổn thương và người bị tổn thương đều sẽ không được vui vẻ trọn vẹn.
Mong các bạn giải quyết được tình trạng khi vừa chớm bắt đầu. Sẻ chia, ý thức đúng sai, sống đạo đức, hành xử phép tắc sẽ khiến cuộc sống chúng ta vui hơn và dễ dàng hơn. Đừng từ bỏ khi hy vọng mãi bên ta. Thương yêu!
Các bài viết có thể bạn sẽ thích: