Kính áp tròng cận thị (contact lens)

Kính áp tròng cận thị contact lens

Một thời gian dài rồi Yến mới chia sẻ gì đó với các bạn nhỉ. Có một câu chuyện thế này, ngày hơi xưa, có một cô Yến không thích đeo kính nhưng lỡ bị cận mà lại sợ bắn mắt thì biết phải làm sao. Thời gian đằng đẵng trôi qua, cô Yến và kính cận làm bạn với nhau tưởng chừng như không thể chia lìa. Nhiều lời khuyên bảo thay bằng kính áp tròng vẫn không lay đổ được cô Yến. Dù bao nhiêu chông gai gập ghềnh như ăn lẩu hơi nước làm nhòe kính, trời mưa rơi vào mắt kính, đã đeo kính còn mang khẩu trang… Một ngày nọ, cô Yến đã gặp được mối tình thắm thiết hơn, có hậu hơn. Đó là kính áp tròng cận thị – cô lens.

Yến biết rất nhiều người ngại ngần dùng kính áp tròng thay cho kính gọng. Ngày xưa Yến cũng có cùng mối quan ngại như vậy. Sợ bị mù mắt, thật là một nỗi sợ tào lao hết sức. Thế nên giờ Yến chia sẻ kinh nghiệm nhỏ nhoi quá trình quá độ từ 2 đít xe chai đến kính áp tròng của Yến nhé.

I. Đi khám mắt:

Đây là quy trình bắt buộc dành cho những ai có vấn đề về mắt. Trước khi xác định muốn đeo kính áp tròng thay cho kính gọng, Yến đi khám mắt để biết độ cận chính xác ở thời điểm hiện tại và liệu mắt Yến có phù hợp với việc dùng kính áp tròng hay không.

II. Các chỉ số thông tin cơ bản hiển thị trên hộp kính áp tròng cận thị:

Kính áp tròng cận thị contact lens windyfairy

Như hình ảnh minh họa trên, đây là kính áp tròng có thời hạn dùng trong 2 tuần. Có rất nhiều loại kính áp tròng với thời gian 1 ngày, 2 tuần, 1 tháng, 6 tháng, 1 năm. Yến hay dùng loại 1 ngày hoặc loại 2 tuần. Các chỉ số cần biết đó là:

  • DIA: 14.0 (đường kính) đây là loại kính không giãn tròng, nghĩa là khi dùng kính này, kích thước mắt Yến sẽ không có gì thay đổi.
  • BC: 8.7 (độ cong) mắt bạn có vừa khít với kính hay không là dựa vào chỉ số này nè. BC có nhiều cấp độ, dao động trong khoảng từ 8.6 đến 8.9 nếu kính áp tròng quá lỏng sẽ bị rơi ra ngoài, còn quá chặt thì mắt sẽ bị đỏ hoặc đau.
  • P -175 (độ cận) mắt cận hoặc loạn sẽ là dấu (-) mắt viễn thị sẽ là dấu (+)
  • 42.5% water (độ ẩm) đây KHÔNG phải là lượng nước có trong kính áp tròng. Mà là thước đo khả năng hấp thụ nước của kính áp tròng ở trong mắt. Vì vậy, hàm lượng nước càng cao có nghĩa là khả năng hấp thụ nước cao, mắt chúng ta sẽ khô rất nhanh. Đối với kính áp tròng mềm, hàm lượng nước nằm trong khoảng từ 38% – 75%.

III. Cách sử dụng, vệ sinh và bảo quản:

1. Cách sử dụng:

  • Đối với loại lens dùng 1 ngày, thì Yến sẽ dùng rồi vứt trong ngày luôn. Không cần lỉnh kỉnh cất giữ.
  • Đối với loại dùng 2 tuần, Yến sẽ chuyển sang chế độ bảo quản vệ sinh.

2. Cách vệ sinh và bảo quản:

Yến làm sạch lens bằng máy, vì Yến không được khéo tay nhẹ nhàng lắm, bị hỏng lens mấy lần rồi. Các bước Yến vệ sinh lens:

  • Luôn luôn rửa tay trước khi đeo cũng như trước khi tháo lens.
  • Đổ dung dịch ngâm vào khay.
  • Cho lens vào trong khay.
  • Bấm nút chọn 2 phút, đóng máy lại. Sau đó, Yến lại chuyển vị trí mặt lens, bấm thêm 2 phút nữa.

Nếu không dùng máy, thì có thể làm theo các bước:

  • Rửa tay trước khi đeo cũng như trước khi tháo lens.
  • Tháo lens ra và rửa bằng nước rửa chuyên dụng. Nhỏ nước vào lens và xoa nhẹ trong lòng bàn tay.
  • Tráng lại lens lần nữa để loại bỏ hết bụi bẩn, đảm bảo lens đã sạch hoàn toàn.
  • Ngâm lens vào khay đựng đã được vệ sinh sạch, và cho nước ngâm mới vào.

IV. Các lưu ý không thể bỏ qua:

  • Phải khám mắt trước khi sử dụng kính áp tròng.
  • Rửa sạch tay trước và sau khi dùng.
  • Vệ sinh các dụng cụ liên quan.
  • Tuyệt đối phải dùng nước chuyên dụng để vệ sinh, ngâm kính áp tròng.
  • Nước ngâm nên thay hàng ngày.
  • Ngón tay dùng để lấy lens ra khỏi mắt cần cắt ngắn gọn gàng, tránh việc để móng tay dài làm rách lens.
  • Phải đeo lens đúng chiều để không bị đau mắt. Đặt lens vào lòng ngón tay, để ngang tầm mắt. Nếu lens tròn trịa như miệng chén thì đã đúng chiều, nếu lens bị vểnh ra ngoài thì đã sai chiều.
  • Nếu dùng thuốc nhỏ mắt, thì phải dùng thuốc nhỏ chuyên dụng cho mắt đeo lens
  • Trong trường hợp nước ngâm lens bị chảy hết ra ngoài, làm lens bị khô hoặc co lại, phải vứt ngay.
  • Dùng lens đúng thời hạn quy định.
  • Không ngủ trong khi vẫn còn đeo lens, dù chỉ là vài phút.
  • Lens ai người nấy xài, đồ ăn có thể chia chứ lens ai người nấy giữ nhé :))

Đây là Yến khi đã đeo lens bên mắt phải, mắt trái vẫn chưa đeo. Yến dùng loại bình thường, không màu và không có chức năng làm giãn trong mắt.

Mong rằng bài viết sẽ có ích cho các bạn trong quá trình chuẩn bị chuyển sang dùng kính áp tròng nhé. Thương yêu nhiều!

Các bài viết có thể bạn sẽ thích:

Related posts

Câu chuyện về Collagen Supplements

Review Sản Phẩm Senka White Beauty Lotion Và White Beauty Serum

Trà giảm cân ban đêm Orihiro Night Diet Tea